Du lịch cắm trại, dã ngoại ở Gia Lai: Xu hướng trải nghiệm mới
Nhiều dịch vụ cho người thích trải nghiệm
Anh Trần Mạnh Hùng - chủ shop Mạnh Hùng (43 Hùng Vương, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) có gần 10 năm kinh doanh các mặt hàng dành cho dân “phượt” như mũ bảo hiểm, găng tay, dụng cụ bảo hộ đi đường xa… Gần đây, anh đầu tư kinh doanh thêm sản phẩm mới là các thiết bị dành cho hoạt động cắm trại, dã ngoại. Một phần cửa hàng được anh cải tạo, sửa chữa để trưng bày mặt hàng dành cho những chuyến trải nghiệm thiên nhiên. Anh Hùng chia sẻ: “Hoạt động cắm trại, dã ngoại có xu hướng phát triển mạnh ở Gia Lai gần đây, nhất là sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Khi có nhiều người yêu thích hình thức trải nghiệm này, tất yếu sẽ định hình nên lối sống mới. Thị trường đồ cắm trại, dã ngoại theo đó cũng phát triển theo”.
Danh sách các thiết bị cho một chuyến trải nghiệm thiên nhiên rất nhiều, nhưng theo tư vấn của anh Hùng, người mới bắt đầu có thể tìm mua những đồ dùng cơ bản như: lều, bạt che mưa nắng, túi ngủ, đồ giữ ấm, ghế xếp; chuyên nghiệp hơn có thể mua thêm lò nướng chuyên dụng, bếp nấu, bình nấu trà, cà phê… “Mức giá của các thiết bị dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Nếu đã thích hình thức trải nghiệm này, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, khách hàng cũng có thể trang bị được cho mình và gia đình một số thiết bị cơ bản đủ để có những buổi cắm trại cùng nhau”-anh Hùng cho biết.
Sau nhiều năm làm việc ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, anh Trần Duy Tín (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) quyết định trở về Gia Lai kinh doanh thiết bị cắm trại, dã ngoại. Làm việc trong lĩnh vực du lịch nhiều năm, anh Tín cho biết, xu hướng trải nghiệm thiên nhiên ngày càng thu hút giới trẻ và nhiều gia đình có con nhỏ. Không chỉ cung cấp các dịch vụ mua bán, cho thuê lều trại, thiết bị dã ngoại và dẫn tour du lịch trải nghiệm trọn gói, anh Tín còn lập fanpage “PleiCam-Du lịch trải nghiệm” để tư vấn, hỗ trợ khách hàng. “Đây không chỉ là một trào lưu, một xu hướng mà còn định hình lối sống mới. Người Nhật còn hình thành nên “văn hóa camping” với quan niệm tìm về thiên nhiên là về với cội nguồn văn hóa. Chúng tôi cũng muốn lan tỏa văn hóa sống này đến mọi người. Gia Lai có những địa điểm cắm trại rất lý tưởng, giao thông thuận lợi và hoàn toàn miễn phí như khu vực đập Tân Sơn, bãi bồi Tiên Sơn (huyện Chư Păh), Biển Hồ, đồi thông Diên Phú (TP. Pleiku), đồi thông Ia Dêr (huyện Ia Grai), đồng cỏ hồng Glar (Đak Đoa)… Nếu đến đây vào mùa đẹp trong năm, chúng ta sẽ cảm nhận rõ rệt văn hóa camping đã đi vào đời sống của nhiều gia đình, bạn trẻ. Một số doanh nghiệp Gia Lai gần đây cũng tổ chức du lịch trải nghiệm theo hình thức cắm trại dã ngoại cho người lao động. Các gia đình trẻ có con nhỏ cũng tới thuê thiết bị đi pic nic, leo núi săn mây, ngủ lại qua đêm hoặc nhờ chúng tôi tổ chức tour trọn gói, kèm chụp hình check-in”-anh Tín cho biết.
Anh Tín và cộng sự còn phối hợp với các đơn vị tổ chức hoạt động dạy kỹ năng sống cho trẻ em, kết nối gia đình thông qua hình thức hội trại, mới đây nhất là chương trình “Family camping-Lắng nghe con bạn kể chuyện ở bìa rừng” tổ chức tại đập Tân Sơn cho 8 gia đình. Bố mẹ cùng con nhỏ cùng nhau trải nghiệm những điều mới mẻ, thú vị như dựng lều, nhặt củi đốt lửa trại, tiệc nướng ngoài trời. Đêm xuống, mỗi gia đình có một thế giới riêng trong những căn lều ấm áp dựng giữa rừng, cùng nhau thức dậy đón bình minh, uống cà phê sáng trong bầu không khí thiên nhiên trong lành.
Giữ môi trường du lịch xanh
Anh Đinh Việt Thanh (đường Cô Bắc, TP. Pleiku) cho biết, những chuyến cắm trại vào dịp cuối tuần hay các kỳ nghỉ lễ đã trở thành một phần cuộc sống của 4 thành viên trong gia đình. Anh kể: “Gia đình tôi bắt đầu từ những buổi picnic ở các khu vực có cây xanh mát mẻ như rừng thông. Các con khi được về với thiên nhiên thì quên hẳn các thiết bị điện tử, chơi với nhau nhiều hơn. Đi nhiều nên thành “nghiện”, chúng tôi mua thêm thiết bị phục vụ việc cắm trại như lều dành cho 4 người, bạt che, túi ngủ, bếp và dụng cụ pha trà, cà phê… để sẵn trên ô tô, hễ có ngày nghỉ là cả gia đình lại sắp xếp lên đường. Từ những chuyến đi ngắn, chúng tôi đi xa hơn, lâu hơn như leo núi Chư Nâm ngủ đêm để các con được đón bình minh trên núi. Gia đình tôi còn đi thác 50 ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng để con cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ của rừng núi Gia Lai. Những chuyến trải nghiệm đó đã thay đổi hoàn toàn lối sống lẫn mục đích sống của gia đình tôi. Chúng tôi dành thời gian cho mình, cho con nhiều hơn, vợ chồng cũng có nhiều thời gian để trò chuyện, chia sẻ với nhau, các con yêu thiên nhiên hơn, biết sống tự lập hơn”.
Sau những chuyến cắm trại, dã ngoại, anh Thanh còn có hoạt động rất ý nghĩa là quay trở lại để trồng cây ở một số nơi gia đình từng dựng trại. Anh chia sẻ đó là một cách trả ơn thiên nhiên và giữ gìn môi trường sống xanh, sạch. “Một số địa điểm picnic không có nhiều bóng mát nên chúng tôi quyết định quay trở lại mang theo hạt giống và cây con để trồng. Mới đây, tôi cùng vài người bạn chung sở thích đã trồng một số cây hoa anh đào, cây ăn quả thêm ít hạt giống các loại cây xanh ở gần đỉnh núi Chư Nâm”-anh Thanh chia sẻ.
Anh Tín dự báo thị trường Gia Lai đầy tiềm năng để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm thiên nhiên. Nhưng việc bảo vệ môi trường ở các điểm này vẫn là vấn đề nan giải. “Du lịch Gia Lai đang phát triển nhanh, du khách biết tới vùng đất này ngày càng nhiều chính là nhờ hiệu ứng của các sản phẩm du lịch xanh. Chúng ta có các điểm cắm trại miễn phí hoàn toàn, đó là điều rất tuyệt vời để kích thích du lịch. Nhưng cũng nên học cách làm ở một số địa phương như Đà Lạt, Quy Nhơn, Đà Nẵng, họ thu phí từ 5 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng/người tại các địa điểm cắm trại để lấy kinh phí dành cho vệ sinh môi trường. Còn ở ta, các điểm cắm trại vẫn ngập rác sau các kỳ nghỉ lễ vì địa phương không đủ con người để xử lý vấn đề này”.
Theo anh Tín, cùng với xu hướng du lịch mới, lối sống mới đang dần định hình. Ngành du lịch, các địa phương có thế mạnh về du lịch trải nghiệm cũng cần có kế hoạch để bảo vệ môi trường, nhất là ở những bãi cắm trại chứ không thể trông chờ vào ý thức của người dân và du khách.