Hà Giang: Phương thức canh tác độc đáo tạo nên vẻ đẹp ruộng bậc thang

Hà Giang: Phương thức canh tác độc đáo tạo nên vẻ đẹp ruộng bậc thang

Nhộn nhịp mùa nước đổ ở xã Lao Chải (Vị Xuyên)

Với người miền núi, đặc biệt là phụ nữ những ngày này là quãng thời gian họ thức khuya, dậy sớm. Vào vụ nước đổ, người nông dân miền rừng trông chờ nhất là những cơn mưa đầu mùa Hạ. Những cơn mưa lớn kéo dài sẽ giúp tưới đẫm những thửa ruộng đã khô cằn bao tháng ngày bỏ không từ vụ trước. Vì vậy, có khi cả gia đình đang quây quần trong ngôi nhà sau bữa cơm tối, bất chợt trời đổ mưa họ lập tức đánh trâu ra ruộng cày để giữ nước. Có năm trời mưa tầm tã, nước đổ ào ào trên rừng, trên ruộng, nhưng cũng có năm trời khô hạn nước là thứ hiếm hoi nên phải tranh thủ mà làm đất, mà cày cấy bởi cả năm chỉ trông chờ vào một vụ mùa này.

Phụ nữ dân tộc Mông huyện Hoàng Su Phì làm cỏ bờ ruộng bậc thang

Những người nông dân chân lấm, tay bùn với sức lao động của mình tạo cho khung cảnh thiên nhiên quê hương đầy sức sống. Mùa nước đổ, lúa xanh cũng như mùa lúa chín cánh đồng bậc thang ở Bản Phùng, Bản Luốc, Nậm Ty ( Hoàng Su Phì); Khuổi My, Lùng Vài, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) đều mang vẻ đẹp riêng tạo ra sức hút với du khách muôn phương. Có thể nói, những thửa ruộng bậc thang sau khi có bàn tay con người tác động đã trở nên đẹp đẽ lạ thường, trở thành đề tài sáng tác không bao giờ nhàm chán của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, thơ ca. Với đặc trưng của miền núi, địa hình phức tạp, hầu như chỉ có núi cao và dốc lớn, cách xa trung tâm nên hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế, trong đó ruộng bậc thang là phương thức canh tác lúa nước lâu đời. Làm ruộng bậc thang không cần đến sự trợ giúp của quá nhiều công cụ, máy móc, những thửa ruộng được tạo tác nên từ chính sức lao động, bàn tay, khối óc, kinh nghiệm được tích lũy, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Dựa theo địa hình, những người nông dân chăm chỉ đã tạo thành các hệ thống ruộng bậc thang theo một mẫu hình, gồm có bờ viền đắp bằng đất, đá ăn khớp với địa hình; mặt ruộng bằng phẳng như ruộng đồng bằng nhưng do độ dốc nên độ rộng của ruộng nhỏ, nhằm giữ đất bùn, giữ nước và chất dinh dưỡng tốt nhất. Thứ làm nên vẻ đẹp và linh hồn của ruộng bậc thang là kết cấu của quần thể ruộng theo hình bậc thang và hệ thống dẫn nước thuận tự nhiên của bà con miền núi. Hệ thống dẫn nước vào ruộng với các mương nước, mạch nguồn được bố trí hợp lý, kết nối chặt chẽ với nhau đảm bảo nước từ thửa ruộng cao chảy xuống thửa thấp là từ kinh nghiệm truyền đời của ông cha để lại.

Đổi công ngày mùa là truyền thống trong lao động của nông dân miền núi

Mùa này dù bạn đi bất cứ miền nào có ruộng bậc thang ở Hà Giang cũng bắt gặp những cảnh lao động hăng say của người miền núi. Những đám ruộng bậc thang nhộn nhịp hơi thở đời sống từ những buổi đổi công của một dòng họ, một xóm người Mông, Nùng hay La Chí tạo nên sức sống và khí thế lao động mang vẻ đẹp chân chất núi rừng. Vẻ đẹp từ sự lao động của người miền núi, kết hợp với cảnh sắc thiên nhiên, núi rừng thật sự tạo cảm giác an lành và bình yên cho những ai đang sống vội vã giữa đô thị.

Những thửa ruộng thô mộc vốn là nơi mưu sinh, đảm bảo lương thực của người nông dân, nhưng từ sự khéo léo và phương thức canh tác bản địa, ruộng bậc thang không đơn thuần là một phương thức sản xuất nữa mà mang trong mình giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc của người miền núi. Ngày nay với sự phát triển của du lịch và công nghệ thông tin, những thửa ruộng ngang núi, ngang trời vào mùa nước đổ, mùa lúa chín đã được nâng tầm thành di sản và điểm khám phá trải nghiệm của du khách thập phương, trở thành “tài sản” vô giá mang đến giá trị cho ngành Du lịch Hà Giang.

Nguồn: Báo Hà Giang - baohagiang.vn 

Biên tập: https://travel.vietnamarab.net/

 

 

Nguồn:

Biên tập:

Tags