Hà Nội: Làng lụa Vạn Phúc- điểm du lịch hấp dẫn du khách
Đến với làng lụa, du khách có thể tham quan các khu vực gồm: Chùa Vạn Phúc; Đền thờ tổ nghề; Miếu Vạn Phúc; Trung tâm bảo tồn lụa Vạn Phúc; Trung tâm sinh vật cảnh, phố đồ cổ - đồ xưa; Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hay con đường bích họa đầy màu sắc phía trước sân đình làng...
Tuyến phố Lụa được sắp xếp tạo một không gian du lịch xanh, sạch, đẹp, thân thiện cho du khách
Đặc biệt tại đây du khách có thể tìm hiểu về nghề dệt truyền thống của làng. Nghề dệt lụa ở Vạn Phúc từ lâu đã nổi tiếng bởi nét tài hoa của những nghệ nhân làng nghề. Với những ai yêu lụa Vạn Phúc khi về nơi đây như được trở lại cội nguồn với nhiều nét xưa cũ.
Bao đời nay lụa Vạn Phúc chỉ sử dụng chất liệu tơ tằm truyền thống, do bàn tay của người lao động tạo nên. Điều đáng quý là các sản phẩm ở đây được làm từ nguyên liệu tự nhiên, có nhiều ưu điểm khác hẳn với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
Hiện làng lụa Vạn Phúc có khoảng 300 hộ dệt, kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm. Để phục vụ khách du lịch, đặc biệt trong dịp SEA Games 31, các gian hàng trong khu phố Lụa được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt. Các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm mới, các mẫu thiết kế thời trang, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lụa nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Đến với làng lụa du khách được trải nghiệm các công đoạn dệt lụa
Để phục vụ du khách dịp SEA Games 31, các cơ sở kinh doanh tại làng lụa Vạn Phúc đã sản xuất đa dạng các sản phẩm làm quà tặng nhằm giới thiệu, quảng bá với du khách các sản phẩm làng nghề.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, cơ sở sản xuất tơ lụa truyền thống Triệu Văn Mão cho biết: “Cơ sở sản xuất của tôi được chọn 3 - 4 sản phẩm làm quà tặng cho Lễ hội quà tặng của Hà Nội. Hiện nay, chúng tôi đã ra mắt đa dạng các sản phẩm để khách hàng có thể lựa chọn làm quà tặng như khăn, áo dài, calavat, túi xách, ví, quần áo... phục vụ theo nhu cầu của từng khách hàng”.
Khác với những cơ sở sản xuất lụa tại làng nghề Vạn Phúc, cơ sở sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm không chỉ dành không gian bày bán, giới thiệu sản phẩm thông thường mà còn thiết kế một xưởng sản xuất ngay bên cạnh cửa hàng để du khách tiện thăm quan, tìm hiểu về các công đoạn sản xuất của sản phẩm.
Chia sẻ về sự khác biệt này, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm cho biết, bà mong muốn khách tới Vạn Phúc không chỉ được nhìn những tấm lụa đủ màu sắc, được chạm tay vào những thớ vải óng ả mà còn được tận mắt tham quan công việc của những người thợ. Thậm chí, du khách đến đây còn được lắng nghe tiếng khung cửi, tiếng thoi đưa lách cách… bởi tất cả những thứ đó tạo nên một không gian tổng thể của làng nghề.
Đặc biệt để khẳng định bản sắc riêng, phát triển du lịch bền vững, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố Lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm. Ngoài ra, nơi đây đã thành lập Hợp tác xã Vụn Art, mang lại thu nhập cho người khuyết tật bằng việc sử dụng các vải lụa vụn để ghép tranh lụa xuất khẩu ra nước ngoài.
Cùng với đó, người dân Vạn Phúc luôn ý thức và tự giác trong việc giữ gìn và tạo cảnh quan trên các tuyến phố, công tác bảo vệ môi trường được chú trọng để tạo một không gian du lịch xanh, sạch, đẹp thân thiện cho du khách.
Nhằm phát huy thế mạnh vốn có của làng nghề, địa phương đã tuyên truyền cho các hộ hoạt động kinh doanh, sản xuất lụa về cách ứng xử văn minh, lịch sự, không chèo kéo làm ảnh hưởng đến hình ảnh của làng nghề và thực hiện các quy tắc ứng xử nơi công cộng văn minh, lịch thiệp.
Nghệ nhân Nghiêm Thị Thu Hương cho biết, các hộ sản xuất tại làng thường xuyên, chủ động học hỏi, tiếp cận với công nghệ 4.0 để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đến với khách hàng trong và ngoài nước.
Hiệp hội làng nghề và chính quyền phường đã có các chương trình quảng bá sản phẩm cho làng nghề, các cửa hàng cũng bố trí, sắp xếp sản phẩm ngăn nắp, đẹp mắt hơn, tạo dấu ấn đối với mỗi du khách.
Nguồn: Báo Lao động Thủ đô
Biên tập: https://travel.vietnamarab.net/