Nở rộ tuyến du lịch biển đảo

Nở rộ tuyến du lịch biển đảo

Ngay sau khi Chính phủ cho phép du lịch hoạt động trở lại sau cao điểm chống dịch Covid-19, hàng loạt các địa phương ven biển đã triển khai nhiều tuyến du lịch biển đảo. Đây là những tua du lịch được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham gia.

Đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) được mệnh danh là "thiên đường giữa biển", đang thu hút nhiều du khách tới thăm.

Sôi động biển đảo miền Trung

Thành phố Đà Nẵng là địa phương đầu tiên khai trương tuyến du lịch biển đảo mới sau khi Chính phủ cho phép nối lại các hoạt động du lịch trên cả nước. Đó là tuyến Đà Nẵng - Lý Sơn (Quảng Ngãi) bằng tàu cao tốc hai thân hiện đại, chở được 598 khách.

Giám đốc Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc Vũ Văn Khương (đơn vị đầu tư tuyến) cho biết, công ty đang khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành thủ tục cần thiết và dự kiến khai trương tuyến biển đảo hấp dẫn này vào ngày 29-3 tới.

Tàu cao tốc Đà Nẵng - Lý Sơn sắp đi vào hoạt động. Đây cũng là loại tàu đã chạy nhiều tuyến biển miền Nam.

Đảo Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý, lâu nay được coi là “thiên đường giữa biển khơi”, thu hút rất nhiều du khách đến với hòn đảo rộng hơn 10km2, được tạo bởi dung nham núi lửa cách đây hàng triệu năm; cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, con người thân thiện.

Trước đây, để ra đảo, du khách đến Quảng Ngãi và đi tàu cao tốc cỡ nhỏ từ cảng Sa Kỳ, phần nào hạn chế lượng khách, do đi lại chưa thuận tiện. Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương rất chào đón tuyến du lịch mới này để ngày càng có thêm nhiều du khách đến với Lý Sơn.

Đảo Phú Quý dự kiến đón 55.000 lượt khách trong nước và quốc tế trong năm 2022.

Còn tại Bình Thuận, tua biển đảo Phan Thiết - Phú Quý đã được mở trở lại. Đáng chú ý, từ ngày 23-3, du khách ra đảo không bắt buộc có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 như trước, nhưng phải là khách đến từ các địa phương vùng xanh, vàng và đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.

Chị Lâm Mỹ Huyền, một du khách từ thành phố Hồ Chí Minh hào hứng chia sẻ: “Tôi mong chờ tuyến biển đảo này được nối lại, vì Phú Quý mùa này đẹp nhất trong năm. Chỉ 2,5 giờ đi tàu cao tốc là đã có thể thỏa thích ngắm ngọn hải đăng trên núi Cấm, Hòn Tranh thơ mộng giữa biển rồi”.

Đảo Phú Quý rộng 17km2, cách đất liền 56 hải lý, hiện có điện 24/24 và hạ tầng du lịch tốt, thu hút nhiều du khách đến tham quan. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Lan Ngọc cho biết, ngành Du lịch và lãnh đạo huyện đảo Phú Quý đặt mục tiêu năm 2022 thu hút được 55.000 lượt du khách (trong đó khách quốc tế khoảng 2.200 lượt); doanh thu du lịch tăng 10% so với năm 2021. Đến năm 2025, Phú Quý cơ bản trở thành khu du lịch trọng điểm của Bình Thuận.

Côn Đảo là điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Tuyến mới biển đảo miền Nam

Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh thông tin, cơ quan chức năng của thành phố đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty TNHH Công nghệ xanh DP cùng Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc sớm triển khai tuyến tàu cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Côn Đảo, góp phần thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển và phát triển du lịch đường thủy, đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của người dân bằng phương tiện thủy, phù hợp chủ trương phát triển vận tải thủy ven biển của thành phố Hồ Chí Minh.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, tàu cao tốc dự kiến đón, trả khách tại cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Từ đây, du khách sẽ mất khoảng 5-6 giờ vượt biển bằng tàu cao tốc 2 thân cỡ lớn, chở được khoảng 600 khách để đến với Côn Đảo.

Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh, chủ đầu tư tuyến tàu cao tốc này cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chấp thuận cho 2 doanh nghiệp triển khai tuyến tàu thủy nói trên.

“Chúng tôi đang nỗ lực làm việc với cơ quan chức năng huyện Côn Đảo để hoàn thành các thủ tục cần thiết cho việc mở tuyến. Giá vé dự kiến là 900.000 đồng/khách”, ông Trần Song Hải thông tin.

Tuyến tàu cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Côn Đảo sẽ sớm được triển khai.

Anh Vũ Hữu Nghĩa, ngụ tại phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 rất hào hứng với tuyến du lịch mới này. Anh cho biết, trước đây, từ đất liền đi Côn Đảo chỉ có thể đi máy bay từ thành phố Hồ Chí Minh hoặc Cần Thơ; hoặc đi trực thăng từ Vũng Tàu. Tuyến biển thì có tàu cao tốc chạy từ Sóc Trăng, Cần Thơ hoặc Vũng Tàu ra Côn Đảo. “Côn Đảo luôn đông khách. Nay có tàu cao tốc chạy ngay từ Bến Nhà Rồng, tôi tin sẽ rất hấp dẫn”, anh Nghĩa nói.

Tuy nhiên, UBND huyện Côn Đảo cho biết cần có thời gian để chuẩn bị bến tiếp nhận tàu mới. Hiện nay, cảng Bến Đầm tại Côn Đảo là nơi duy nhất tiếp nhận cả tàu cá và tàu khách, nên chỉ có hai bến đón tàu khách. Trong khi đó, cảng đang tiếp nhận 3 tuyến tàu cao tốc từ Sóc Trăng, Cần Thơ và Vũng Tàu, nên không còn chỗ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Huỳnh Trung Sơn cho biết: "Do hạn chế bến bãi, địa phương chỉ nhận tàu khách từ 11-13h hằng ngày. Chúng tôi đang khẩn trương thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng cảng Bến Đầm và cảng tàu khách Côn Đảo. Khi hoàn thành, đảo sẽ chính thức tiếp nhận tàu cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh”.

 

Nguồn : Báo Hà Nội Mới

 

Nguồn:

Biên tập:

Tags