Son Bá Mười - "người đẹp ngủ trong rừng" Pù Luông (Thanh Hóa)
Nằm ở độ cao khoảng 1.180m so với mực nước biển, Son - Bá - Mười là ba bản cao nhất của xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa và vẫn thường được gọi là khu Cao Sơn. Khi nhiệt độ ở thị trấn Cành Nàng của huyện Bá Thước lên tới gần 40 độ C thì ở đây không khí vẫn mát rượi, thậm chí se se lạnh và thoảng hương thơm của lá của hoa rừng.
Son Bá Mười được bao bọc bởi hệ sinh thái núi đá vôi thấp duy nhất tại miền Bắc Việt Nam. Nằm ở vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, đường đến Son Bá Mười từ trung tâm xã Lũng Cao khá hiểm trở khi phải vượt những con dốc 25% với cua tay áo ba tầng. Tuy nhiên giao thông đã khá thuận lợi với bà con nơi đây bởi trước đây, muốn đi ô tô, xe máy tới Son Bá Mười, người dân phải vòng qua Tân Lạc của tỉnh Hòa Bình, vượt qua dốc Lũng Vân. Bù lại, sau con đường dốc quanh co, hiểm trở, Son Bá Mười hiện ra trước mắt du khách đẹp như tranh vẽ.
Sự hiểm trở của núi non khiến cho Son Bá Mười gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Hành trình “thượng sơn” lên ba bản của khu Cao Sơn luôn là thử thách hấp dẫn dành cho ai có niềm đam mê khám phá. Son Bá Mười nay đã gần hơn với trung tâm xã Lũng Cao khi được Nhà nước quan tâm đầu tư con đường vượt đỉnh Eo Mào, làm nên sự thay đổi vượt bậc cuộc sống dân sinh nơi đây.
Cao Sơn vẫn thường được ví như “Đà Lạt trong lòng xứ Thanh”, hay “Sa Pa thu nhỏ của Thanh Hóa”, địa chất lại có một phần giống cao nguyên đá ở Hà Giang. Nơi đây thuộc tiểu vùng khí hậu đặc biệt, nhiệt độ trung bình trong năm chỉ từ 18-22 độ C, mùa đông có thể có tuyết rơi, mùa hè nhiệt độ ban đêm cũng xuống rất thấp.
Son Bá Mười được bao bọc bởi các dãy núi non trùng điệp, hiểm trở như Pòng Mứu, Pòng Pa Kha, Pòng Pa Có, Phà Hé... chạy song song với dãy Pù Luông thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên Pù Luông hoang sơ và tiếp giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông của Hòa Bình. Son Bá Mười vẫn đang là "người đẹp ngủ trong rừng" chờ du khách tới đánh thức./.