7 trải nghiệm trong chuyến đi 80 triệu đồng đến Ai Cập

7 trải nghiệm trong chuyến đi 80 triệu đồng đến Ai Cập

Ngoài tham quan kim tự tháp, du khách có thể bay khinh khí cầu ngắm thành phố cổ đại hoặc trải nghiệm du thuyền hạng sang xuôi dòng sông Nile.

Đầu tháng 5, anh Lý Thành Cơ, làm trong lĩnh vực truyền thông ở TP HCM, có chuyến du lịch đến Ai Cập trong 12 ngày. Anh chia sẻ chuyến đi này như "giấc mơ thành sự thật" vì từ nhỏ được nghe, đọc nhiều câu chuyện thần thoại về vùng đất huyền bí bên dòng sông Nile nhưng chưa có điều kiện ghé thăm.

Anh Cơ chi khoảng 80 triệu đồng cho chuyến đi gần hai tuần tại Ai Cập, trong đó vé máy bay khứ hồi chặng TP HCM - Cairo 30 triệu đồng, 40 triệu đồng phí đặt landtour 10 ngày 9 đêm và 10 triệu đồng còn lại là các chi phí như bay khinh khí cầu, vé tham quan các di tích, bảo tàng.

Nam du khách cho biết đây là lần đầu ghé thăm Ai Cập. Anh chưa hiểu rõ về đất nước này, hơn nữa quy trình đặt phòng, đặt dịch vụ du lịch địa phương khá phức tạp nên chọn đặt tour bản địa để tham khảo lịch trình của họ và nghe thuyết minh câu chuyện văn hóa, lịch sử tại từng điểm đến.

Sau 12 ngày ở "vùng đất của các Pharaoh", Cơ tổng kết được 7 trải nghiệm phù hợp với những du khách lần đầu du lịch tại Ai Cập.

 

Bay khinh khí cầu ở Luxor

Từ trên cao, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh quần thể kiến trúc cổ đại. Khinh khí cầu sẽ bay dọc bờ Tây sông Nile từ Bắc xuống Nam. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng "thung lũng của các vị vua", đền thờ Hatshepsut, đền thờ Amenhotep III ở hướng Tây. "Phải lên cao mới quan sát rất rõ dải đồng bằng xanh màu mỡ và dải sa mạc cằn cỗi nằm cạnh nhau nhưng tạo nên khung cảnh đối lập, chân thật đến kinh ngạc", anh Cơ nói.

Khung cảnh thung lũng của các vị vua nhìn từ khinh khí cầu.

Khung cảnh "thung lũng của các vị vua" nhìn từ khinh khí cầu.

Luxor được xem như "thung lũng của các vị vua" bởi từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 11 Trước Công nguyên (TCN) người Ai Cập đã xây dựng nhiều lăng mộ cho các Pharaoh và quan trong triều. Thung lũng tọa lạc bên bờ Tây của sông Nile, nằm trong trung tâm của khu lăng mộ Theban Necropolis. Ngoài ra, Luxor cũng được ví như bảo tàng ngoài trời khổng lồ khi sở hữu tàn tích quần thể đền thờ Karnak và Luxor cổ đại.

Anh chia sẻ chi phí bay khinh khí cầu tại Luxor khoảng 120 USD mỗi người. Mức giá này rẻ hơn gần một nửa so với khi bay tại Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Chiêm ngưỡng kim tự tháp

Những công trình bằng đá khổng lồ này được xem như biểu tượng văn hóa của Ai Cập qua nhiều thế kỷ. Anh Cơ cho biết các điểm tham quan kim tự tháp bán vé phục vụ khách du lịch. Trong chuyến đi lần này anh ghé kim tự tháp Giza. Đây là công trình lâu đời nhất trong danh sách 7 kỳ quan thế giới cổ đại và cũng là công trình duy nhất còn sót lại.

Anh Cơ tại kim tự tháp Giza trong chuyến du lịch Ai Cập vào tháng 5.

Anh Cơ tại kim tự tháp Giza trong chuyến du lịch Ai Cập vào tháng 5.

"Kim tự tháp Giza là một tuyệt tác kiến trúc xây dựng của con người. Hơn 4.000 năm qua, nơi đây vẫn giữ nguyên sắc thái thần bí bởi hàng loạt câu chuyện về những xác ướp ngàn năm tuổi cùng lời nguyền đầy ma mị sau cái chết của các Pharaoh cổ đại", anh Cơ nói.

 

Đi du thuyền dọc sông Nile

Trải nghiệm "đáng tiền và đắt đỏ" nhất của Cơ trong 12 ngày ở Ai Cập là lênh đênh trên du thuyền xuôi dòng sông Nile huyền thoại. Có hai chuyến du thuyền gồm chuyến từ thành phố Luxor đến Aswan hoặc từ Aswan đến Luxor. Cơ chọn chiều khởi hành từ Aswan vì Luxor gần thủ đô Cairo, tiện di chuyển đến các điểm tham quan. Chi phí cho mỗi đêm trên du thuyền khoảng 170 USD (khoảng 4 triệu đồng).

Tour Ai Cập 8N7Đ: Trải nghiệm Du Thuyền 5 Sao Sông Nile Huyền Bí

Dọc hành trình, nam du khách được chiêm ngưỡng khung cảnh thôn quê yên bình và những thị trấn nhỏ xuôi bờ sông Nile. Để tận hưởng bầu trời trong xanh của miền đất cổ xưa, có thể di chuyển lên boong trên cùng của du thuyền, "nhâm nhi cocktail và nằm tắm nắng trên những băng ghế dài".

 

Lặn ngắm cá heo ở biển Đỏ

Tour lặn biển và ngắm cá heo ở Muscat - Klook Việt Nam

Ai Cập không chỉ có sa mạc khô cằn mà còn là "thiên đường cho những người yêu thích lặn biển". Tại biển Đỏ, thuộc tỉnh Biển Đỏ, du khách có thể lặn khám phá các rạn san hô dưới làn nước xanh như ngọc. Thị trấn Marsa Alam tập trung nhiều đàn cá heo nhất, còn được gọi là "ngôi nhà của cá heo". Nếu may mắn, du khách bắt gặp và có thể bơi cùng cá heo trong lúc lặn biển.

 

Tham quan sa mạc Đen, cắm trại qua đêm ở sa mạc Trắng

Đúng như tên gọi, sa mạc Đen là nơi có hàng trăm ngọn núi được "phủ bột màu đen". Những ngọn núi này nằm phân bố dọc theo khoảng 30 km ở phía tây Ai Cập, giữa Ốc đảo Bahariya ở phía bắc và cách sa mạc Trắng ở phía Nam khoảng 100 km. Nằm ở khu vực được hình thành bởi các vụ phun trào núi lửa, có niên đại từ kỷ Jura 180 triệu năm trước, hầu hết sườn núi được bao phủ màu đen đặc trưng. Tại đây còn có hóa thạch của cây bụi và rừng, cho thấy thực vật từng phát triển tươi tốt.

Trong khi đó, sa mạc Trắng, còn được gọi là Farafra, nằm ở miền Bắc Farafra Oasis, cách thủ đô Cairo khoảng 570 km, rộng hơn 3.000 km2. Nơi này trước kia là biển, sau khi nước biển rút, những mỏm đá còn trơ lại qua thời gian đã bị xói mòn tạo nên khung cảnh độc đáo như ngày nay. Bề mặt sa mạc bao phủ bởi màu trắng muốt của những cồn cát và những công trình bằng đá tự nhiên khổng lồ.

Khung cảnh sa mạc trắng là bãi cắm trại qua đêm phục vụ khách du lịch đến Ai Cập.

Khung cảnh sa mạc trắng là bãi cắm trại qua đêm phục vụ khách du lịch đến Ai Cập.

Tại sa mạc Trắng có dịch vụ cắm trại qua đêm, du khách ngủ trong những căn lều dựng giữa bãi cát trắng. "Dịch vụ này nằm trong landtour tôi đã đặt trước. Nằm giữa sa mạc rộng lớn ngắm bầu trời lấp lánh ánh sao, tôi ngỡ như đang bay lơ lửng giữa dải ngân hà. Rất lâu rồi tôi mới được ngắm một bầu trời đầy sao đến thế", anh Cơ nói.

 

Ngắm 100.000 cổ vật ở Bảo tàng Ai Cập

Bảo tàng Ai Cập - Egyptian Museum - Kho báu của nhân loại

Nằm ở trung tâm thủ đô Cairo, bảo tàng Ai Cập là điểm đến không thể bỏ qua với những du khách quan tâm đến lịch sử cổ đại. Kể từ năm 1902, nơi đây trở thành kho lưu trữ các hiện vật được khai quật tại các địa điểm khảo cổ huyền thoại như Thung lũng các vị vua (Valley of the Kings) và Luxor. Hướng dẫn viên địa phương chia sẻ bảo tàng đang lưu giữ hơn 100.000 cổ vật trong không gian rộng 15 ha. Du khách có thể tham quan kho báu của vị vua huyền thoại Tutankhamun và xác ướp của các pharaoh.

 

Ghé thăm các ngôi đền cổ

Trong chuyến đi, anh Cơ có dịp ghé thăm 4 ngôi đền cổ ở Ai Cập. Những công trình này có niên đại hàng nghìn năm, còn nguyên giá trị kiến trúc và lịch sử. Nằm ở nơi xa xôi nhất Ai Cập, cách thành phố Aswan 300 km, đền Abu Simbel được xem như một bảo tàng ngoài trời, minh chứng cho nền văn minh rực rỡ đã tồn tại bên bờ sông Nile từ hàng nghìn năm trước.

Đền Karnak thành phố cổ Luxor, cách thủ đô Cairo khoảng 800 km, là quần thể kiến trúc đền lớn nhất, quan trọng nhất trong các đền đài, lăng tẩm của Ai Cập cổ đại, có lịch sử xây dựng dài nhất, trải qua hơn 30 đời Pharaoh và hơn 1.000 năm xây dựng, mở rộng.

Dòng người tham quan ngôi đền Karnak ở thành phố Luxor vào đầu tháng 5.

Dòng người tham quan ngôi đền Karnak ở thành phố Luxor vào đầu tháng 5.

Nơi đây thờ thần mặt trời Amun-Ree. Điểm thu hút nhất của ngôi đền Karnak là những pylon (cổng vào) hoành tráng với nhiều cột vòm khổng lồ. Theo quan niệm của người Ai Cập cổ đại, cột đá là những cây hoa mọc lên từ đất. Đây là lý do trên đỉnh cột đá tại các ngôi đền cổ thường có những nét chạm khắc hình hoa văn mềm mại.

Di chuyển đến bờ sông Nile ở Thượng Ai Cập, du khách có thể tham quan đền Kom Ombo, được xây dựng trong thời kỳ Ptolemaic, bắt đầu từ năm 332 TCN. Đền được xây dựng trên nền của một ngôi đền trước đó, thờ hai vị thần Sobek - thần cá sấu và Horus - vị thần đầu chim ưng.

Người Ai Cập cổ đại tin rằng thần Sobek chịu trách nhiệm về sự màu mỡ của sông Nile và bảo vệ những người sống và làm việc dọc theo bờ sông. Trong khi đó, Horus cũng là một vị thần quan trọng trong văn hóa Ai Cập cổ đại, tương truyền có mối liên kết với các pharaoh.

Cuối cùng là đền Philae, nằm ở một hòn đảo đá ở giữa sông Nile, cách thành phố Aswan 12 km về phía nam. Vì nằm ở giữa sông nên du khách phải di chuyển bằng thuyền để đến đền. Nơi này từng bị nhấn chìm trong nước sau khi đập Aswan đầu tiên được xây dựng vào năm 1906 và mãi đến những năm 1970, nhiều quốc gia cùng với UNESCO mới cố gắng cứu ngôi đền bằng cách chuyển từng khối từ công trình ban đầu trên đảo Philae đến đảo Agilika.

Nguồn: vnexpress.net

Biên tập: vietnamarab.net team

Tags