Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022: Từ ''đại sứ văn hóa'' đến thương hiệu du lịch Thủ đô
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 khép lại sau gần 3 ngày diễn ra (từ ngày 2 đến 4-12) đã mang đến một không gian văn hóa, du lịch hấp dẫn cho người dân và du khách những ngày cuối tuần. Lễ hội thu hút hơn 30.000 người dân và du khách, cho thấy sức hấp dẫn của sự kiện, đồng thời giúp ngành Du lịch Thủ đô định vị thêm sản phẩm du lịch mới.
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 có nhiều tiểu cảnh trưng bày.
Thêm một không gian sáng tạo
Những ngày cuối tuần, Hà Nội chuyển lạnh nhưng khô ráo, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách tản bộ, vui chơi tham gia nhiều hoạt động tại Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 diễn ra tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Đây là lần thứ hai, Hà Nội tổ chức Lễ hội Áo dài du lịch, nhưng quy mô, tầm ảnh hưởng lớn hơn lần thứ nhất, tổ chức cách đây 6 năm (năm 2016).
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 có 8 chương trình, hoạt động: Lễ khai mạc; đêm nhạc hội trình diễn áo dài có sự tham gia của các nhà thiết kế Hà Nội - Huế - thành phố Hồ Chí Minh; cuộc thi sinh viên “Sáng tạo thiết kế áo dài” của 7 nhóm sinh viên đến từ Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp và Trường đại học Hòa Bình…
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 thu hút nhiều người dân và du khách.
Bên cạnh đó, điểm nhấn của lễ hội là 5 không gian trưng bày triển lãm và 50 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của các nghệ nhân, nhà thiết kế, thương hiệu áo dài, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không, cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch của Hà Nội - Huế - thành phố Hồ Chí Minh với nhiều thương hiệu nổi tiếng, như: Xuân Thu, Viết Bảo, Năm Tuyền, Quang Hòa, Hà Duy, Chula Fahion House…
Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2022 có 50 gian hàng với đa dạng màu sắc, tượng trưng cho màu sắc của những chiếc áo dài dân tộc được sắp đặt trên trục đường Đinh Tiên Hoàng (từ Hàng Bài đến Tượng đài Cảm tử).
Theo Tổng đạo diễn lễ hội Lê Quý Dương, mỗi gian hàng đều có không gian trưng bày đặc trưng, thể hiện cá tính sáng tạo của từng đơn vị và nhà thiết kế.
Bởi thế, đến với lễ hội lần này, du khách có thể tìm thấy nhiều không gian sáng tạo áo dài rất riêng, như: Không gian áo dài đậm chất Hà Nội xưa của nhà thiết kế Xuân Thu; không gian áo dài cung đình Huế của nhà thiết kế Viết Bảo; không gian áo dài trẻ trung của thương hiệu OZ Design House. Bên cạnh đó còn có những không gian sáng tạo với nhiều tiểu cảnh hoa, góc trang trí một gian nhà cổ Hà Nội; hay gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức do các nghệ nhân nhiều làng nghề thực hiện.
Không gian trưng bày của nghệ nhân nón làng Chuông (huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội).
Là đại diện cho thương hiệu nón Làng Chuông (huyện Thanh Oai) tham gia trưng bày, nghệ nhân Tạ Thu Hương cho biết, cơ sở đã trưng bày hơn 600 mặt hàng truyền thống, trong đó có rất nhiều sản phẩm về nón được du khách yêu thích. Trong khi đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Sử, Chi hội trưởng Chi hội làng nghề - làng cổ - làng văn hóa (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) thông tin, các sản phẩm trang sức bằng sừng do các nghệ nhân làng Thụy Ứng (huyện Thường Tín) được nhiều du khách hỏi mua, nhất là lược, vòng tay. “Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 mang đến không gian trải nghiệm thú vị, giúp cho các nghệ nhân áo dài và nghệ nhân nhiều làng nghề cùng liên kết, sáng tạo”, ông Nguyễn Văn Sử bày tỏ.
Lễ hội có sự tham gia của nhiều nhà thiết kế trẻ, mang đến sự tươi mới cho lễ hội (Ảnh: Bộ sưu tập và phần trình diễn của nhà thiết kế trẻ nhất tham dự lễ hội Nguyên Khanh).
Xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 đã để lại nhiều dấu ấn cho cả người dân, du khách và các nhà thiết kế, đơn vị tham gia. Một trong những hoạt động nổi bật và hấp dẫn người dân và du khách nhất là đồng diễn áo dài đường phố của 300 nữ doanh nhân (diễn ra vào ngày 3-12) và biểu diễn nghệ thuật, đồng diễn áo dài của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố với gần 1.000 người tham gia (sáng 4-12).
Màn đồng diễn áo dài trên phố đi bộ vào ngày 4-12.
Là người dự lễ hội vào sáng 4-12, bà Ngô Kim Thủy (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, bà cùng những người bạn trong tổ dân phố đã mặc áo dài để tham dự lễ hội. “Sau dịch Covid-19, rất lâu Hà Nội mới tổ chức một lễ hội lớn như thế này, nên chúng tôi rất phấn khởi. Các hoạt động đồng diễn tạo cơ hội cho người dân được cùng đồng hành, tham gia, đóng góp cho sự kiện của Thủ đô. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, nên tổ chức hằng năm để thành thương hiệu của Hà Nội”, bà Ngô Kim Thủy bày tỏ.
Phần trình diễn tại Tượng đài Lý Thái Tổ.
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 đã thu hút hơn 30.000 người dân và du khách, đây là con số nằm trong dự đoán của những người tổ chức. Theo nhà thiết kế Xuân Thu, lễ hội trở thành ngày hội của những nhà thiết kế, nhất là với những nhà thiết kế trẻ. Sự tập trung đông của những nhà thiết kế uy tín và những nhà thiết kế trẻ tài năng 3 miền cũng là cách để thu hút đông đảo người dân, du khách trẻ tham dự sự kiện.
Các phần diễu hành, đồng diễn áo dài là điểm nhấn của lễ hội.
Nhiều người dân và du khách mặc áo dài đến lễ hội để vui chơi, chụp ảnh.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, sự thành công của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 tiếp tục viết tiếp câu chuyện về tình yêu áo dài và hành trình đưa áo dài gắn với du lịch, trở thành “Đại sứ du lịch” của Hà Nội và cả nước. Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội định kỳ hằng năm để không chỉ tạo không gian sáng tạo, quảng bá giá trị văn hóa áo dài, mà từng bước định vị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch Thủ đô.