Thánh địa Mecca trở lại
Năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, có khoảng 2,5 triệu người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đổ về Mecca (Saudi Arabia) tham dự lễ Hajj.
Từ năm 2020, Saudi Arabia phải giảm quy mô lễ hành hương còn khoảng 50.000 người. Năm 2021, quốc gia này cho phép 60.000 công dân và những người đang sinh sống tại Saudi Arabia đã tiêm phòng tham gia sự kiện.
Trước ngày diễn ra lễ Hajj, không khí tấp nập đã trở lại Mecca. Các quảng trường, ngõ hẻm được trang hoàng đầy biểu ngữ chào đón tín đồ hành hương. Lực lượng an ninh cũng được bố trí khắp nơi, đảm bảo trật tự cho sự trở lại của lễ hội quan trọng với người Hồi giáo.
Trả lời Reuters, Abdel Qader Kheder (người hành hương từ Sudan) bày tỏ sự vui mừng khi được trở lại Thánh địa Mecca sau 2 năm dịch bệnh. “Tôi gần như không thể tin rằng mình đang ở đây. Tôi đang tận hưởng từng giây phút này", người này nói.
Lễ Hajj ở Mecca năm nay sẽ đón khoảng một triệu người, trong đó có 850.000 người từ nước ngoài. Giới chức Saudi Arabia cho biết đến ngày 3/7, có khoảng 650.000 người nước ngoài đã tới quốc gia này.
Hôm 4/7, gần 100.000 người bị cấm vào Mecca. Thành phố được bảo vệ nghiêm ngặt trước ngày lễ Hajj diễn ra. Một quan chức an ninh chia sẻ 288 người đã bị bắt và phạt vì cố vào Mecca làm lễ Hajj mà không có giấy phép, theo SCMP.
Lễ hành hương Hajj là một trong năm trụ cột của Hồi giáo (gồm đức tin, cầu nguyện, bố thí, nhịn ăn, hành hương đến Mecca) mà các tín đồ có bổn phận phải hoàn thành ít nhất một lần trong đời nếu họ có đủ điều kiện tài chính, sức khỏe.
Trong quá trình hành hương, các tín đồ sẽ tập trung về thành phố Mecca linh thiêng trong vài ngày để hồi tưởng lại chuyến hành hương cuối cùng của Nhà tiên tri Mohammed và tiến hành các nghi lễ.
Trước buổi lễ, nam giới phải mặc áo choàng trắng đơn sơ, phụ nữ mặc váy trắng rộng, chỉ để lộ mặt và tay. Thân thể phải sạch sẽ, không xức nước hoa. Móng tay, râu và tóc phải được cắt tỉa gọn gàng. Nghi thức này để thể hiện sự thanh khiết.
Theo Reuters, chiều 4/7, Mecca nhộn nhịp khi hàng nghìn người hành hương che ô dưới cái nắng gay gắt, đổ xô tới cửa hàng lưu niệm và tiệm làm tóc, bên những tán cây gần nhà thờ Hồi giáo Masjid al-Haram hàng dài người ngồi nghỉ ngơi, ăn uống. Masjid al-Haram là địa điểm thiêng liêng nhất trong đạo Hồi, được các tín đồ coi là "nhà của Thượng Đế".
Tâm điểm của lễ hành hương là cuộc tụ họp trên núi Arafat, tương truyền là nơi Nhà tiên tri Mohammed thuyết pháp lần cuối. Các tín đồ sẽ tập trung trên ngọn núi cao 70 m này và khu vực xung quanh trong nhiều giờ để cầu nguyện, đọc kinh Koran cho đến tối.
Sau đó, họ sẽ đến Muzdalifah để gom một số hòn đá, quay lại Mina thực hiện nghi lễ ném đá trừ tà. Sau nghi lễ ném đá, những người hành hương sẽ cạo đầu hoặc cắt tóc và thực hiện nghi lễ hiến tế Eid al-Adha, đánh dấu sự kết thúc của lễ hành hương Hajj.
Những người hành hương sau đó có thể mặc đồ bình thường, quay lại tòa nhà Kaaba và hoàn tất nghi thức ném đá trước khi trở về nhà.
Người tham gia hành hương Hajj năm nay trong Masjid al-Haram được yêu cầu phải đeo khẩu trang. Du khách nước ngoài phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Để đảm bảo buổi lễ diễn ra an toàn, nhà thờ Masjid al-Haram sẽ được lau dọn 10 lần mỗi ngày ngày bởi 4.000 công nhân, sử dụng hơn 130.000 lít thuốc khử trùng mỗi lần, theo Reuters.
Hajj được xem là cuộc hành hương linh thiêng nhất của đạo Hồi. Nhưng trong những thập kỷ gần đây, sự kiện này bị ảnh hưởng bởi các vụ giẫm đạp nghiêm trọng do lượng người tham gia quá đông.
Tháng 9/2015, thảm họa giẫm đạp trong lễ hành hương tại Thánh địa Mecca đã khiến 2.300 người thiệt mạng. Đây bị xem là thảm họa tồi tệ nhất trong các lễ hành hương Hajj. Trước đó, vào tháng 1/2006, một vụ giẫm đạp xảy ra khi các tín đồ đang thực hiện nghi thức ném đá tại Mina đã khiến 364 người không qua khỏi.